Trong xã hội hiện đại ngày nay, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin và sự phát triển cao của khoa học kĩ thuật đã góp phần không nhỏ đưa con người đến với tri thức. Có rất nhiều những phát minh ra đời phục vụ đắc lực cho việc học như chiếc máy tự học tiếng Anh, thư viện điện tử, internet….Mọi người chỉ cần ngồi trước máy vi tính có nối mạng, nó sẽ giúp bạn giải đáp những vấn đề mà bạn thắc mắc…Nhưng cho dù khoa học công nghệ có đạt đến đỉnh tối cao, hiện đại đến mấy thì vai trò quan trọng trong sự nghiệp giáo dục vẫn thuộc về yếu tố người thầy. Giáo dục còn tồn tại nghĩa là còn thầy giáo, không có thầy giáo thì không có giáo dục. Sẽ không có thứ gì thay thế được vị trí của người thầy như câu nói của Macxim Gorki:“Tự học bao giờ cũng chỉ là tự học”. Câu nói ấy không nói đến người thầy nhưng mặc nhiên đã thừa nhận vị trí của người thầy. Thầy cô không chỉ dạy về chữ nghĩa, truyền đạt kiến thức mà còn nuôi dưỡng bao tâm hồn thơ dại. Có một nhà ngôn ngữ học nói rằng: “Giáo dục không phải là bản năng nhưng giáo dục có thể làm nên những điều kì diệu”, từ những bài học hay những cái vỗ vai an ủi, một câu nói tình cảm, một nụ cười thân thiện hay một điểm mười đầu tiên…vv có thể làm nên một nhân cách tốt, bao tâm hồn cao thượng. Do vậy, khi nói về nghề dạy học có lẽ sẽ có rất nhiều người biết đến câu nói của Cố Thủ tường Phạm Văn Đồng:“Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Sự cao quý ở đây chính là cái tâm của người thầy, người thầy bỏ bao công sức dạy dỗ bao lớp học sinh, đưa bao thế hệ đến với bến bờ tương lai tốt đẹp. Sự cao quý ấy còn là tình yêu, là sự kính trọng ở những người học trò dành cho thầy cô của mình. Cái tâm của người thầy đã thắp lên ngọn lửa tình yêu, niềm tin ở những người học trò để nghề dạy học bước lên vị trí cao quý nhất. Bởi chính những lí do đó đã khơi dậy sự nhận thức và tình yêu khi đến với nghề sư phạm của mỗi người thầy chúng tôi.
Nhớ lại những kỉ niệm ngày xưa, tôi thường rủ đám bạn chơi trò chơi lớp học, làm cô giáo thì giờ đã là một cô giáo thật sự, cảm giác hạnh phúc khi đứng trên bục giảng, khi được những học trò bé nhỏ thân yêu gọi hai tiếng “Cô ơi”. Thật khó có thể nói hết những cảm xúc ấy chỉ biết một điều rằng mình thật may mắn.
Có nhiều người cho rằng nghề dạy học “nhàn” và “sướng” nhưng thật sự nghề dạy học không sướng chút nào. Nó đòi hỏi ở người thầy phải lao động cần mẫn, vận hành hết cơ thể mình: thể lực, trí lực và cả cái tâm. Sự sai lầm và cẩu thả của một anh bác sĩ có thể giết chết một con người nhưng ở người thầy là cả một thế hệ. Người thầy phải luôn tìm tòi học hỏi để không bị lạc hậu kiến thức, để vững tin trên bục giảng, để tạo niềm tin ở những người học trò. Có rất nhiều bài thơ, lời ca tiếng hát ca ngợi công ơn người thầy:
“Ơn như núi nghĩa như sông
Ai gieo nắm chữ vào lòng
Suốt đời con ghi nhớ
Tâm hồn thơm trang vở
Trong như dòng sông xanh”…
hay nhạc sĩ Nguyễn Đức Huy cũng đã viết trong bài hát “Người Thầy” như sau: “…Dẫu có đếm hết sao trời đêm nay, dẫu có đếm hết lá mùa thu rơi nhưng ngàn năm làm sao con đếm hết công ơn người thầy…” những câu nói ca ngợi người thầy, những lớp học sinh trưởng thành…đó sẽ là những động lực thúc đẩy lòng nhiệt huyết ở người thầy.
Những ngày tháng đứng trên bục giảng, đó là khoảng thời gian đẹp và ý nghĩa nhất của chúng tôi. Bên cạnh những niềm vui cũng có những lo lắng trăn trở nhưng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào chúng tôi cũng sẽ nổ lực phấn đấu hết mình để luôn tạo niềm tin yêu ở những người học trò thân yêu của mình và để xứng đáng là một người Thầy.
Giáo viên: Huỳnh Thị Xuân Trang
Trường THCS Mỹ Phước